Ngày nay, để ứng tuyển vào một vị trí UX, việc sở hữu một chiếc portfolio là một trong những yêu cầu cơ bản nhất mà những nhà tuyển dụng đưa ra cho ứng viên phải có.
Việc này có thể là một trở ngại đối với những bạn sinh viên mới ra trường, hoặc là những bạn trái nghề đang muốn chuyển sang một lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, nghĩ một cách tích cực hơn, đây cũng là một cơ hội tốt để các bạn thể hiện khả năng của mình, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, và khiến bản thân nổi bật hơn những ứng viên khác.
Là một UX designer, việc xây dựng và duy trì một portfolio cho bản thân đã và đang càng ngày càng trở nên thiết yếu hơn. Jay khuyên các bạn nên đầu tư thời gian để tạo cho mình một trang web riêng và tạo thói quen ghi chép, thống kê lại những dự án mình đã làm.
Để có được một chiếc portfolio thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng, thì các bạn cần phải bỏ vào trong đó những case study – những sản phẩm, tác phẩm, dự án thật ấn tượng, hiệu quả, và thuyết phục.
Mở bài hiệu quả
Có nhiều bạn lo lắng rằng là nếu viết dài quá thì thì người ta sẽ ngại đọc. Thì thật sự ở đây Jay nói với kinh nghiệm từng đi tuyển thành viên UI/UX cho team của mình thì Jay không hề ngại đọc nha các bạn. Ngược lại thì đúng hơn, Jay mong mỏi có một case study đủ dài để đọc.
Tuy nhiên, thực tế là có rất nhiều case study sơ sài, ngô nghê, hoặc chỉ toàn hình ảnh mà không có chút quá trình hay giải thích gì. Đó mới là điểm trừ đối với Jay và Jay nghĩ những người tuyển dụng khác cũng như vậy.
Độ dài ngắn của case study không phải là vấn đề Jay nghĩ các bạn cần đặt nặng, mà mấu chốt là case study đó có truyền tải được tất cả ý tưởng và thông điệp của các bạn hay không.
Tuy Jay nói rằng mình sẵn sàng đọc những case study dài, nhưng các bạn thử đặt mình vào vai trò của một nhà tuyển dụng phải xem hàng chục hoặc hàng trăm resume và portfolio mỗi ngày, các bạn có thể tưởng tượng được việc đọc lướt và kén chọn những thứ phải đọc để tiết kiệm thời gian là điều mà mọi người sẽ áp dụng để giảm tải áp lực cho mình.
Vậy nên, lời khuyên của Jay là: Hãy tập trung một nửa chất xám vào phần mở bài của case study. Đây là nơi để các bạn giới thiệu về tổng quan dự án hay sản phẩm mà các bạn sắp trình bày.
Một phần mở bài ấn tượng, bao quát sẽ khiến người đọc nắm bắt được mấu chốt của vấn đề ngay từ những giây phút đầu tiên. Như vậy, chúng ta sẽ tăng khả năng gây được sự chú ý của người xem.
Nếu gây được hứng thú cho người đọc thì case study của bạn sẽ có nhiều cơ hội được đọc một cách trọn vẹn, đầy đủ hơn. Từ đó, ghi điểm cho bạn trong mắt nhà tuyển dụng, nâng cao tỉ lệ để các bạn có được cơ hội đi sâu hơn vào các vòng trong.
Vậy thì làm thế nào để viết được một phần mở bài hiệu quả? Jay sẽ giới thiệu với các bạn một format mà Jay thường áp dụng, tên là the Elevator Pitch, từ này để miêu tả một phần trình bày ý tưởng ngắn gọn vừa vặn với một chuyến đi thang máy.
Cấu trúc của một Elevator Pitch
Đây là một framework – mẫu câu – để miêu tả một sản phẩm, dịch vụ hay dự án, có cấu trúc sau đây:
Dành cho (đối tượng khách hàng) (có nhu cầu), (sản phẩm) là một (phân loại sản phẩm) với (tính năng chính).
Khác với (đối thủ), sản phẩm này (mô tả sự khác biệt).
Chỉ với hai câu, nhưng framework này cho người đọc một cái nhìn tổng quan, bao trọn về rất nhiều mặt của một sản phẩm hay dự án.
Chúng ta hãy phân tích từng yếu tố có trong mẫu câu này nhé.
1. Đối tượng khách hàng
Các bạn cần phải thật cụ thể về người dùng của sản phẩm. Thường Jay hay thấy các bạn nói rằng sản phẩm của mình là dành cho tất cả mọi người, điều đó thường không bao giờ xảy ra. Rất khó để thiết kế một sản phẩm dành cho tất cả mọi người. Các bạn có thể thử tưởng tượng xem sản phẩm của các bạn nếu đưa cho cha mẹ, ông bà mình sử dụng thì sẽ như thế nào. Xác định rõ tuổi tác, giới tính, khu vực, mức thu nhập… những yếu tố để định vị khách hàng, sẽ giúp các bạn dễ dàng tạo ra empathy (thấu cảm) với người dùng.
2. Nhu cầu
Hãy xác định 1 nhu cầu duy nhất mà nhóm khách hàng phía trên có. Để biết được điều này, cần phải thực hiện nghiên cứu người dùng và hiểu rõ về những khó khăn mà khách hàng đang gặp phải.
3. Sản phẩm
Đơn giản chỉ là tên sản phẩm hay dự án bạn đang trình bày. Đa phần khi làm UX thì sản phẩm của bạn đã được đặt tên rồi, việc này khá đơn giản không có gì phải nghĩ nhiều.
4. Phân nhóm sản phẩm
Sản phẩm của bạn là thể loại gì? Bản năng của con người là sắp xếp phân loại, suy xét xem những thứ này giống nhau hay khác nhau, từ đó suy luận ra bản chất sự vật sự việc. Biết được phân loại sản phẩm là gì sẽ giúp khách hàng có thể dễ dàng hình dung ra được sản phẩm của bạn là gì, và tạo cho họ sự kỳ vọng (expectation) đúng đắn. Ví dụ: smartphone, food ordering service, ecommerce platform, v.v…
5. Tính năng chính
Thứ sản phẩm bạn cung cấp để giải quyết nhu cầu của nhóm khách hàng. Thường những sản phẩm cùng chung một phân loại sẽ có cùng tính năng chính, cùng cung cấp một giải pháp cơ bản cho khách hàng. Ví dụ: Google Sheets và Microsoft Excel đều để giải quyết nhu cầu tạo spreadsheet, Figma hay Sketch đều giải quyết nhu cầu thiết kế vector, v.v…
6. Đối thủ
Những công ty hay sản phẩm đã, đang và sẽ cạnh tranh với sản phẩm của bạn trên thị trường. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng trong việc mua hay dùng sản phẩm của bạn rất nhiều. Để nổi bật hơn trong mắt khách hàng và đánh bại đối thủ, sản phẩm của bạn cần phải có sự khác biệt.
7. Sự khác biệt
Để tồn tại trên thị trường, việc làm giống như những người khác là không đủ. Nếu sản phẩm của bạn chỉ làm được y hệt như những gì sản phẩm khác được làm, thì tại sao khách hàng phải mua sản phẩm của bạn mà không mua những sản phẩm của công ty khác? Sự khác biệt, đặc biệt mà chỉ có sản phẩm bạn mới có là yếu tố khiến khách hàng chọn bạn.
Ví dụ về áp dụng Elevator Pitch
Lý thuyết là như vậy, nhưng khi áp dụng thực tế thì sẽ như thế nào?
Sau đây, Jay sẽ thử áp dụng mẫu câu này cho một số sản phẩm nổi tiếng và không nổi tiếng lắm. Bạn nào có định nghĩa khác hay ví dụ hay hơn thì nhắn tin riêng cho Jay biết nhé.
iPhone
👎😐
iPhone là chiếc điện thoại thông minh cho người sành điệu.
😎👍
Dành cho những người có thu nhập cao và nhu cầu sử dụng điện thoại cho công việc, iPhone là một chiếc điện thoại thông minh với khả năng lướt web và kết nối internet hoàn chỉnh.
Khác với các smartphone khác trên thị trường như Nokia, Motorola và Blackberry, iPhone không có bàn phím cơ học mà thay vào đó, nó chỉ có một cái màn hình lớn với giao diện thay đổi dựa trên nhu cầu của từng ứng dụng, và có thể điều khiển bằng ngón tay.
Figma
👎😐
Figma là công cụ thiết kế giao diện cho designers thông minh, có nhiều tính năng hay, thân thiện dễ dùng.
😎👍
Dành cho designers cần một công cụ để thiết kế giao diện cho digital products, Figma là một công cụ chỉnh sửa vector với khả năng tái sử dụng component và style.
Khác với những đối thủ như Sketch và Adobe XD, Figma có thể sử dụng trên nền tảng web và nhiều người có thể edit cùng một file trực tiếp với nhau trong cùng 1 thời điểm.
Spotify
👎😐
Spotify là dịch vụ nghe nhạc trực tuyến mang lại trải nghiệm nghe nhạc tuyệt vời.
😎👍
Dành cho người yêu nhạc nhưng gặp khó khăn vì bị giới hạn bởi số lượng bài hát có thể chứa được trên ổ cứng, Spotify là một dịch vụ nghe nhạc trực tuyến cho phép người nghe có thể nghe hàng triệu bài hát bất cứ lúc nào họ muốn.
Khác với những dịch vụ khác bắt người phải trả tiền mua nhạc mới nghe được như iTunes, Spotify cho phép khách hàng nghe nhạc hoàn toàn miễn phí với gói miễn phí có quảng cáo của mình.
INKR Access
👎😐
Tôi đã lên ý tưởng và thiết kế INKR Access – trung tâm quản lý tài khoản và quyền hạn người dùng cho tất cả sản phẩm dành cho khách hàng doanh nghiệp của INKR.
😎👍
Dành cho admins và quản lý của INKR có nhu cầu quản lý và set up tài khoản cho hàng trăm freelancers trên toàn thế giới, INKR Access là một hệ thống quản lý tài khoản và quyền hạn cung cấp một nơi trung tâm để quản lý tất cả các sản phẩm dành cho khách hàng doanh nghiệp của INKR.
Khác với cách làm thủ công hiện tại của công ty bao gồm rất nhiều spreadsheets và gọi điện thoại, INKR Access có một giao diện dành cho người dùng thân thiện để dẫn dắt họ tự set up tài khoản và cung cấp thông tin trực tiếp vào hệ thống mà không cần người trong công ty phải can thiệp.
Kết luận
Các bạn có thể thấy, khi đặt vấn đề theo mẫu câu này, chúng ta cũng giúp bản thân mình thấy được một cái nhìn tổng quát, cặn kẽ về một sản phẩm hay dự án mà mình đang trình bày.
Thật vậy, nó còn khiến bạn phải suy nghĩ thật kỹ về tất cả những yếu tố trên. Từ đó, có thể đánh giá lại về hướng đi của sản phẩm hay dự án mình làm ra, xem có thật sự hiệu quả hay không.
Jay tin rằng việc tập suy nghĩ theo cách này sẽ khiến các bạn phát triển được product sense của mình, từ đó trở thành một UX hay product designer tốt hơn.
Jay đã thử áp dụng vào những case study trên portfolio của mình và thấy hiệu quả hơn hẳn. Các bạn thì sao?